Với ưu điểm cung cấp thông tin nhanh chóng và tiện lợi, mạng xã hội trở thành kênh tham khảo đáng tin thứ hai sau dược sĩ/bác sĩ trong lòng cha mẹ trẻ tại Việt Nam có con bị cảm cúm. Việc tìm hiểu thảo luận về việc phòng và trị các bệnh phổ thông bằng Social Listening mở ra cơ hội quảng bá thương hiệu dược phẩm, thuốc trên Social Media.
Mạng xã hội cuối năm xôn xao với các thảo luận về cảm cúm và bệnh thời tiết trẻ em
Tháng 11, 12 hàng năm là lúc thời tiết trở lạnh, gây ảnh hưởng tới hệ miễn dịch chưa hoàn thiện của các bé. Chính vì vậy, các thảo luận về các bệnh thời tiết của trẻ em trên Social Media có xu hướng tăng lên. Trong đó, bệnh cảm cúm đứng thứ 4 với hơn 5,000 thảo luận. Trong khi các bệnh về đường hô hấp, tiêu hóa cần tham khảo bác sĩ chuyên khoa, đối với các bệnh thông thường như cảm lạnh, cảm cúm thì các bậc cha mẹ thường có xu hướng tự mua thuốc và chữa trị cho con. Với ưu điểm thông tin phong phú, tiện lợi và cơ hội thảo luận trực tiếp, Social Media trở thành kênh tham khảo đáng tin thứ hai sau dược sĩ/bác sĩ về điều trị cảm cúm trẻ em.
*Tuy cảm lạnh và cảm cúm là hai loại bệnh khác nhau nhưng trên Social Media, người dùng mạng thường sử dụng cụm từ “cảm cúm” để chỉ chung các bệnh cảm cho bé. Trong đó đa số là thảo luận về cảm lạnh (hơn 90%) và chỉ có gần 10% là thảo luận thực sự về cảm cúm. Bài viết này tạm thời sử dụng “cảm cúm” để nói chung về bệnh cảm của trẻ em, cho phù hợp với thảo luận của người dùng mạng.
Trong các thảo luận về trị cảm cúm cho trẻ em, đối tượng chủ yếu là phụ nữ từ 25-34 tuổi (chiếm tới 84.7% thảo luận). Do khí hậu lạnh tập trung ở miền Bắc, có tới 30.3% thảo luận đến từ người dân tại Hà Nội và 75.6% ở miền Bắc, trong khi thành phố Hồ Chí Minh chỉ chiếm 13.5%. Có thể nói, các bà mẹ trẻ ở Miền Bắc, đặc biệt là Hà Nội sẽ là những người đặc biệt nhạy cảm với vấn đề cảm cúm trẻ em trong giai đoạn này.
*Số liệu trong báo cáo này được cung cấp bởi YouNet Media, agency hàng đầu về Social Insight & Solution tại Việt Nam.
Các đề tài nổi bật về cảm cúm trên Social Media
Trên Social Media, các đề tài thảo luận về trị cảm cúm rất đa dạng. Trong đó, nội dung được chia sẻ và bình luận nhiều nhất là các bài tư vấn chuyên sâu trên Fanpage của bác sĩ nhi khoa về triệu chứng, phương pháp trị bệnh cảm cúm và bệnh thời tiết khác (35%).
Bên cạnh đó, những cha mẹ không muốn cho con nhỏ sử dụng quá nhiều thuốc nên thường trao đổi về các phương pháp dân gian như công thức cảm ho tự chế từ các thành phần thiên nhiên, đắp chanh tươi, xông hơi… để hạ sốt, giải cảm (28%).
Do chưa hoàn toàn tin tưởng vào thuốc do dược sĩ, cơ sở y tế tư vấn, nhiều bà mẹ đăng bài nhờ tư vấn sử dụng thuốc Tây y tại các hội nhóm Facebook về nuôi dạy con. Các mẹ thường băn khoăn về việc lựa chọn thuốc, thời điểm và liều lượng uống thuốc, triệu chứng nào thì cần đi khám bệnh…(15%).
Do bị ảnh hưởng bởi quan điểm “Để con được ốm” của bác sĩ Trí Đoàn, có rất nhiều phụ huynh chia sẻ về việc hạn chế cho con dùng thuốc hạ sốt và kháng sinh, thậm chí không can thiệp để cho bé tự khỏi ốm. Nội dung này được chị em phụ nữ quan tâm và thường nhắc nhau tác hại của việc quá lạm dụng thuốc hạ sốt, kháng sinh. (12%)
Trong mùa này, các bài post về tiêm phòng cho bé cũng nhận được sự quan tâm khá lớn. Các mẹ có xu hướng kết hợp việc tiêm phòng cúm và tiêm phế cầu (phòng viêm phổi). Ngoài ra, sau khi bé đi tiêm về thường bị sốt cao nên phụ huynh cũng rất quan tâm đến việc hạ sốt sau tiêm phòng (5%).
Các từ khóa nổi bật về cảm cúm trên Social Media: “sổ mũi” (20.3%), “kháng sinh” (12.2%), “hạ sốt” (9.2%), “dầu tràm” (7.8%), “miễn dịch” (3.4%). Điều đó cho thấy khi con bị cảm cúm, các mẹ có xu hướng quan tâm đến việc hạ sốt và chữa sổ mũi cho bé trước. Việc sử dụng tinh dầu tràm giải cảm cũng là đề tài được quan tâm nhiều, đi kèm với hạn chế kháng sinh và tăng cường miễn dịch cho trẻ.
Các thương hiệu cảm cúm trẻ em nổi bật trên Social Media
Từ đầu năm 2016, bên cạnh các thương hiệu thuốc cảm cúm chứa paracetamol quen thuộc như Panadol, Tiffy…còn có một làn sóng sử dụng các thuốc giảm đau hạ sốt ibuprofen với những thương hiệu nổi bật là Nurofen, Ibuprofen…của các cha mẹ trên Social Media.
Đặc biệt, số lượng người thảo luận về dòng thuốc paracetamol tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh xấp xỉ bằng nhau (hơn 20%), tuy nhiên thảo luận về dòng ibuprofen lại tập trung ở TPHCM (42.3%) cho thấy các phụ huynh ở TPHCM quen thuộc với thuốc cảm cúm ibuprofen hơn là cha mẹ tại Hà Nội. Các thuốc ibuprofen được các mẹ đánh giá là hiệu quả nhanh và không gây hại bằng paracetamol (15 thảo luận).
Các thương hiệu về thuốc đông y như Ích Nhi, Cảm Xuyên Hương thường được nhắc đến trong các bài tư vấn về thuốc trị cảm cúm cho bé dưới 1 tuổi hoặc sơ sinh. Đó là do cơ thể của các bé rất nhạy cảm, dễ phản ứng với thuốc nên các mẹ cẩn thận lựa chọn cho bé những loại thuốc đông y có nhiều thành phần thảo dược để hạn chế phản ứng phụ.
Ngoài các thương hiệu kể trên, trên mạng xã hội manh nha các thảo luận về các loại thuốc vi lượng đồng căn (homeopathy) cho việc phòng và điều trị cúm cho bé như Brauer, Influenzinum… Tuy nhiên đa số các thảo luận vẫn còn hoang mang và chưa hiểu rõ về hiệu quả của các thuốc dạng này.
Những yếu tố nào chi phối cha mẹ khi chọn lựa thuốc cảm cúm cho bé
Lựa chọn theo nhận định của bản thân: Thông qua các thảo luận về việc vì sao lựa chọn các loại thuốc cảm cúm (263 thảo luận), YouNet Media nhận thấy các phụ huynh vẫn có xu hướng lựa chọn những sản phẩm quen thuộc, dễ tìm mua tại các hiệu thuốc cũng như dễ lưu trữ tại nhà để sử dụng khi cần thiết. Các loại thuốc hạ sốt là sản phẩm thường được mua sẵn phòng khi trẻ bất chợt bị cảm cúm (35.1%). Ngoài ra, các cha mẹ còn dựa vào kinh nghiệm sử dụng thuốc của các lần con ốm trước để sử dụng thuốc cho bé (15.5%).
Với nỗi lo việc con sẽ ốm lâu dài, các bậc cha mẹ ưu tiên chọn những loại thuốc khiến cho con nhanh khỏi bệnh (14.6%). Tuy nhiên, phụ huynh cũng đã lưu ý hơn tới các loại thuốc nhiều thành phần thiên nhiên (13.5%) và ít tác dụng phụ (6.9%).
Các nguồn tư vấn truyền thống và online: Khi nghiên cứu việc cha mẹ tìm hiểu thông tin trị cảm cúm cho con cái, có 43% cha mẹ thừa nhận tham khảo ý kiến của dược sĩ, bác sĩ tại nhà thuốc, cơ sở y tế. Điều đó cho thấy ý kiến của y bác sĩ tại địa phương là rất quan trọng.
Bên cạnh đó, ý kiến của các chuyên gia trong ngành (bác sĩ nhi tại các bệnh viện lớn) cũng nhận được sự quan tâm khá lớn (26%). Điều đáng chú ý là kênh tiếp cận các chuyên gia nhi khoa lại chủ yếu trên mạng xã hội do những “influencers” này thường chia sẻ kinh nghiệm, kiến thức của mình trên Fanpage và trang cá nhân một cách rộng rãi, từ đó truyền cảm hứng cho nhiều bậc phụ huynh.
“Có bệnh thì hỏi google, facebook” là lời miêu tả khá chính xác về các phụ huynh có con nhỏ cảm cúm hiện nay. Rất nhiều bậc cha mẹ đã tìm lời giải đáp về bệnh cảm cúm cho con bằng cách post bài vào hội nhóm trên Facebook và hỏi tại các Fanpage về trẻ em (14%), cũng như tra cứu các website về y học, nuôi dạy con.
Các dạng thuốc phù hợp với sở thích của bé: Đối với các cha mẹ có con càng nhỏ thì càng nhận được nhiều phản ứng “bất hợp tác” của bé như không chịu uống thuốc, nôn trớ, khóc…Chính vì thế, các bậc cha mẹ ưa chuộng sử dụng các dạng thuốc có vị ngọt và dạng lỏng như siro (42.7%), dạng thuốc bột pha nước (37.2%), chỉ có 7.5% sử dụng thuốc dạng viên nén. Ngoài ra còn có các dạng thuốc khác như kẹo dẻo, viên uống siêu nhỏ (vi lượng đồng căn) nhưng thảo luận không đáng kể.
Bị hạn chế quảng cáo thuốc trên Facebook, cơ hội nào cho các thương hiệu y dược tiếp cận người mua thuốc trên Social Media?
Nhìn chung, các thương hiệu thuốc trị cảm cúm cho trẻ em chưa tham gia nhiều vào mạng xã hội, đặc biệt là khi Facebook hạn chế các quảng cáo về thuốc tại Facebook. Tuy nhiên YouNet Media vẫn nhận thấy có những cơ hội “vàng” mà thương hiệu thuốc cần nắm bắt ngay trên Social Media.
Người dùng mạng “đói” thông tin tư vấn online của y bác sĩ: Những tư vấn của các bác sĩ tại bệnh viện nhi khoa uy tín thường được các bậc cha mẹ lan truyền và lưu lại để sử dụng khi con ốm (top 1 đề tài thảo luận về cảm cúm – tham khảo ở trên). Điều đó cho thấy tư vấn của những bác sĩ chuyên ngành, uy tín có sức ảnh hưởng lớn tới các bậc cha mẹ trên Social Media.
VD: Nội dung bác sĩ tư vấn online trên fanpage Ích Nhi nhận được nhiều lượt comment và chia sẻ. Đây cũng là một trong số hãng dược đầu tư kỹ lưỡng vào nội dung trên kênh Social Media.
Các mẹ rất cởi mở và tiếp thu các quan điểm mới về y học: Xu hướng sử dụng thuốc cảm cúm ibuprofen, vi lượng đồng căn, cũng như xu hướng tiêm phòng cúm và phế cầu chủ động, “kích sốt để hạ sốt”, “buộc khăn bắp chân”… đã nhận được sự quan tâm lớn của cộng đồng cha mẹ trên Social Media. Những thương hiệu thường xuyên “lắng nghe” xu hướng sẽ có được những gợi ý vàng để xây dựng nội dung trang cộng đồng (fanpage) sao cho thật hữu ích và nhận được lượt chia sẻ tự nhiên.
Influencers/KOLs ngành y dược là người quyết định xu hướng: Những thảo luận về điều trị cảm cúm cho bé trên Social Media đều có dấu ấn của các chuyên gia, ví dụ như cụm từ “để con được ốm” được sử dụng thường xuyên theo tên cuốn sách của bác sĩ Trí Đoàn (412 lượt thảo luận), hay chỉ một video bác sĩ Collin hướng dẫn rửa mũi cho trẻ nhận được gần 24,000 tương tác, khiến các mẹ đều muốn học theo. Điều đó cho thấy Influencer sẽ là kênh hiệu quả để làm thương hiệu trên Social Media trong thời đại “hạn chế quảng cáo” hay “dị ứng quảng cáo”.
Sức mạnh tư vấn của các hội nhóm “mẹ và bé” trên Facebook: Các hội tư vấn nuôi dạy con, mẹ và bé trên Facebook có hàng trăm ngàn thành viên và hơn 10 bài post nhờ tư vấn mỗi ngày (chỉ riêng nội dung cảm cúm đã ghi nhận sự tham gia của hơn 20 Facebook Groups lớn về mẹ và bé). Đây chính là cơ hội tốt để các thương hiệu y dược tiếp cận và tư vấn cho khách hàng mua thuốc. Tất nhiên, việc cung cấp nội dung hữu ích, tự nhiên hay quảng bá sự kiện tư vấn sẽ tạo được hiệu ứng lớn hơn rất nhiều so với spam và seeding đơn thuần.