Trong quá trình tiếp xúc và trao đổi với các bạn làm quản lí hoặc chủ shop, chủ doanh nghiệp thì mình thấy rằng các bạn đều đang muốn nắm được những kiến thức cơ bản và nền tảng nhất về quảng cáo Facebook để dễ dàng quản lí, đưa ra những đánh giá, chiến lược đúng đắn. Bởi tại vị trí của các bạn thì các bạn không thể đi quá sâu, tìm hiểu quá chi tiết như người làm quảng cáo Facebook, nhưng cũng không thể quá lơ mơ về nó được. Nhu cầu là vậy tuy nhiên, tính tới thời điểm hiện tại mình chưa thấy có bất kì bài viết hay video nào chia sẻ về vấn đề này một cách logic và tổng quan cả (hoặc có thể có mà mình chưa tìm đọc được). Chính vì vậy, hôm nay bài viết này mới ra đời để chia sẻ với các bạn về 7 kiến thức nền tảng về quảng cáo facebook cho quản lí, chủ doanh nghiệp.
Mục tiêu của bài viết này là giúp các nhà quản lí, các chủ shop, chủ doanh nghiệp có được cái nhìn tổng quan nhất và hiểu được cơ chế quảng cáo Facebook, tìm ra cách quản lí hiệu quả của quảng cáo, từ đó có những chiến lược, hướng đi đúng đắn nhất đối với nền tảng trên 2 tỉ người dùng này. Sau khi đọc bài viết này bạn nắm được những điều trên là bài viết của mình đã đạt được mục đích. Còn nếu bạn đang tìm kiếm 1 kiến thức chuyên sâu nào đó về Facebook thì bạn hãy vui lòng bỏ qua bài viết này vì nó không có giá trị gì đối với bạn cả!
Lưu ý: Bài viết dành cho cả những bạn chưa từng tìm hiểu gì về Facebook nên có những phần cực kì cơ bản, ai biết rồi thì hãy bỏ qua phần đó để đọc những phần khác
Dành cho bạn nào ngại đọc: Mình có làm video để chia sẻ, trong video sẽ có nhiều kiến thức, hình ảnh trực quan, dễ hình dung hơn so với việc đọc text:
Tôi cần những gì để có thể quảng cáo trên Facebook?
Tính tới thời điểm này, việc quảng cáo trên Facebook vẫn khá đơn giản, chi phí đầu tư ban đầu không cao, để có thể chạy quảng cáo Facebook bạn cần chuẩn bị những thứ sau:
- Tài khoản Facebook: Mục đích là để tạo tài khoản quảng cáo (muốn quảng cáo được thì cần phải có tài khoản quảng cáo, cần hiểu rằng: tài khoản Facebook khác với tài khoản quảng cáo nhé, 1 tài khoản Facebook có thể tạo được nhiều tài khoản quảng cáo)
- Thẻ Visa / Master hoặc tài khoản Paypal (tóm lại là những thứ có thể thanh toán quốc tế, phổ thông nhất vẫn là Visa/Master Card): Cái này là để trả tiền cho Facebook, yêu cầu thẻ này phải thanh toán được online và thanh toán quốc tế
- Fanpage: Để chúng ta đăng bài lên đó, rồi chạy quảng cáo các bài viết mình đã tạo trên page. Hiểu nôm na là Facebook là 1 quốc gia, Fanpage này là ngôi nhà của doanh nghiệp mình ở quốc gia đó
(Hiện tại Facebook chỉ cho chạy quảng cáo trên Fanpage, chưa cho chạy quảng cáo cho Profile nhé – Đây là câu hỏi mình hay gặp phải từ các mẹ bỉm sữa, nên mình note lại tại đây luôn)
Ok vậy là từ 3 thứ trên thì doanh nghiệp của chúng ta đã có thể xuất hiện trên Facebook rồi
11 loại hình quảng cáo quảng của Facebook
Facebook hiện tại đang có 11 loại hình quảng cáo (tương đương với 11 mục đích quảng cáo của doanh nghiệp) nhưng chỉ có 1 vài loại hình mà doanh nghiệp hay sử dụng nhất. Tuy vậy mình vẫn sẽ tóm tắt đầy đủ 11 loại hành này(chi tiết demo từng loại hình quảng cáo thì các bạn xem ở video để thấy)
(Video chia sẻ về 11 loại hình quảng cáo của Facebook)
- Nhận thức về thương hiệu: Tạo quảng cáo và phân phối tới những người có khả năng nhớ về quảng của chúng ta nhiều nhất. Loại quảng cáo này có thể chỉ chạy hình ảnh, cũng có thể dẫn link về website hoặc trang đích
- Số người tiếp cận: Loại hình quảng cáo này hướng tới việc làm sao nhiều người tiếp cận quảng cáo của doanh nghiệp nhất có thể
- Lưu lượng truy cập: Điều hướng, tối ưu để nhiều khách hàng vào trang đích nhất có thể. Trang đích có thể là: website, landing page, tin nhắn của page, ứng dụng, whatsapp
- Tương tác: Mục tiêu thu hút nhiều người tương tác nhất với fanpage. Tương tác có thể là like, share, comment, lưu bài .v.v
- Số lượt cài đặt ứng dụng: Thu hút nhiều người cài đặt ứng dụng nhất, loại hình này chỉ phù hợp với những bên nào phát triển app điện thoại. Cái này mình không có kinh nghiệm nên xin phép không bàn luận quá nhiều.
- Số lượt xem video: Thu hút nhiều người xem video nhất có thể. Phù hợp khi chạy quảng cáo cho video và muốn video đấy có độ phủ tới nhiều người
- Tìm kiếm khách hàng tiềm năng: Loại hình này mọi người thường thấy ở trên Facebook khi mà mọi người bấm vào thì thấy tự động tiền tên, số điện thoại của mọi người vào form đó. Loại hình này nhằm thu nhiều người để lại thông tin đăng kí nhất có thể
- Tin nhắn: Loại hình này mục đích là để thu hút nhiều người nhắn tin cho page nhất có thể. Đặc điểm nhận dạng là khi chúng ta bấm vào quảng cáo nó sẽ nhảy luôn ra phần messenger. Có 2 loại hình nhỏ bên trong: Hiện thị quảng cáo tin nhắn tới mọi người, khi ai bấm thì ra messenger, loại 2 là gửi tin nhắn tới những người đã từng nhắn tin cho page
- Chuyển đổi: Loại hình này cũng hướng người dùng tới website /landing page của doanh nghiệp, nhưng khác với loại hình lưu lượng truy cập ở chỗ: Lưu lượng truy cập là tối ưu để nhiều ngừoi vào web/landing page nhất có thể. Còn loại Chuyển đổi thì tối ưu để nhiều người vào web/landing và tạo chuyển đổi nhất có thể (chỉ hướng tới những người có khả năng tạo ra chuyển đổi). Chuyển đổi ở đây là bất kì hành động nào có giá trị với khách hàng như lượt mua hàng, lượt đăng kí…
- Doanh số theo danh mục: Loại hình quảng cáo động, để tạo được quảng cáo này thì chúng ta cần tạo danh mục sản phẩm trước. Loại hình này thường được sử dụng khi chạy Dynamic Remarketing (mấy trang thương mại điện tử chạy rất nhiều)
- Lượt ghé thăm cửa hàng: Hướng tới việc quảng cáo tới những khách hàng ở xung quanh cửa hàng của chúng ta
Đó là đầy đủ 11 loại hình quảng cáo của Facebook, tuỳ vào chiến lược và mục tiêu của từng chiến dịch Marketing mà chúng ta sẽ chọn lựa ra những loại hình phù hợp nhất. Hiện nay những loại hình thường được dùng nhiều nhất là: tương tác, tin nhắn, chuyển đổi, tìm kiếm khách hàng tiềm năng. Bạn hãy cân nhắc và chọn cho mình những loại hình phù hợp nhất theo từng chiến dịch Marketing của doanh nghiệp nhé
Cơ chế hoạt động và cách tính tiền của quảng cáo Facebook
(Video chia sẻ về cơ chế hoạt động của quảng cáo Facebook)
Cơ chế hoạt động của quảng cáo Facebook:
Bản chất của quảng cáo Facebook là HIỂN THỊ, có nghĩa là facebook sẽ chủ động hiện thị quảng cáo tới người dùng (người dùng ở thế bị động) – khác với google search là người dùng chủ động đi tìm kiếm thông tin.
Ví dụ: Bạn đang có nhu cầu tìm kiếm dịch vụ “Chụp ảnh cưới” –> Bạn vào google tìm chữ “chụp ảnh cưới” –> Quảng cáo của google hiện ra. Đây là người dùng chủ động tìm kiếm
Với Facebook, bạn đang lướt newfeed thì bỗng dưng thấy quảng cáo về dịch vụ Chụp ảnh cưới hiển thị, như vậy bạn thấy quảng cáo ở trên bị động
(Tới thời điểm mình viết bài này thì Facebook ở Việt Nam vẫn hoàn toàn là dạng hiển thị, còn về sau nếu Facebook phát triển công cụ search trên chính Facebook để hiển thị quảng cáo thì lại có đôi chút khác nha)
Như vậy, quảng cáo Facebook là việc chúng ta đi mua những lượt hiển thị từ Facebook và làm sao để những lượt hiển thị đó là những lượt hiển thị CHẤT LƯỢNG – tức là đúng những người quan tâm tới thứ mình đang quảng cáo
Nhà quảng cáo: Tạo quảng cáo và Nhắm mục tiêu (có những cách nhắm nào mình chia sẻ ở dưới) –> Mua những lượt hiện thị phù hợp với cách nhắm ban đầu
Facebook: Dựa vào cách nhắm mục tiêu của nhà quảng cáo + nội dung quảng cáo để phân tích và tìm những người có khả năng tương tác với doanh nghiệp cao nhất –> Hiển thị quảng cáo của doanh nghiệp tới những người đó
Cách tính tiền của Facebook
Facebook tính tiền theo lượng hiển thị, cứ hiển thị quảng cáo là mất tiền rồi.
Hiện tại, đa số các tài khoản đều là loại TRẢ SAU, có nghĩa là doanh nghiệp cứ chạy quảng cáo, tiêu tiền trước, rồi sau đó mới trả tiền cho Facebook sau (có 1 đợt ra nhiều tài khoản trả trước, nạp tiền xong mới được chạy, nhưng hiện tại mình thấy đa số là tài khoản trả sau)
Facebook sẽ thu tiền vào 1 trong 2 thời điểm sau, tuỳ theo điều kiện nào đến trước:
- Ngưỡng thanh toán: Bắt đầu là ngưỡng 50.000đ và tăng dần cho tới 20.000.000 (muốn hơn thì phải xin Facebook). Hiểu nôm na là khi tài khoản tiêu đến ngưỡng này thì phải trả tiền. Ví dụ đang là ngưỡng 50.000đ thì cứ khi nào các chiến dịch trong tài khoản quảng cáo tiêu được 50.0000 đ thì mình phải trả tiền cho Facebook (kiểu như là nó cho mình nợ 50.000đ thôi ấy)
- Ngày thanh toán: Ngày quy định của Facebook, cứ sau mỗi lần thanh toán thành công thì ngày này lại thay đổi. Ví dụ trường hợp ngưỡng thanh toán đang là 200.000đ , ngày thanh toán là 10/09/2019. Tới ngày 09/09/2019 các chiến dịch trong tài khoản quảng cáo mới chỉ tiêu tới 150.000đ chả hạn (chưa tới 200.000đ) thì tới 00h00 ngày 10/09/2019 Facebook sẽ thu của chúng ta 150k luôn mà không chờ tới 200k nữa
Việc Facebook cho tiêu trước trả tiền sau sẽ có lợi rất nhiều cho chúng ta khi mà có thể dễ dàng xoay vòng vốn, dòng tiền hơn. Nhưng cũng chính bởi điều này mà nhiều bạn trục lợi khi mà tiêu xong mà lại “NỢ” mãi, nợ cả đời mà không trả cho Facebook (gọi là BÙNG :))))
8 cách nhắm mục tiêu cốt lõi trên Facebook
(Video chia sẻ về 8 cách nhắm mục tiêu cốt lõi của Facebook Ads)
Phần này sẽ cho mọi người biết được rằng chúng ta có thể nhắm tới những đối tượng như thế nào trên Facebook? Khi làm Facebook Marketing mà không biết Facebook có thể giúp ta làm gì là không ổn rồi. Từ việc biết được Facebook có thể làm gì, chúng ta sẽ xác định được Facebook sẽ đóng vai trò như thế nào trong toàn bộ chiến dịch Marketing hoặc rộng hơn là trong chiến lược phát triển của doanh nghiệp. Với Facebook, có thể nhắm được những mục tiêu sau:
- Tuổi
- Khu vực địa lí
- Giới tính
- Ngôn ngữ người đó đang sử dụng
- Sở thích: Những người đang có sở thích, đang quan tâm tới cái gì (cái này dựa vào phân tích của Facebook). Ví dụ: bóng đá, thể hình, thời trang…v.v
- Hành vi: Những hành vi cụ thể của đối tượng, ví dụ: dùng iphone, làm admin các fanpage, vừa đi du lịch về v.v
- Nhân khẩu học: Ngoài tuổi và giới tính thì nhà quảng cáo sẽ có thể nhắm mục tiêu theo trình độ học vấn, công việc, nhà cửa, lối sống . Ví dụ: những người có bằng đại học, những người đang làm marketing..
Để biết được Facebook cho nhắm mục tiêu theo những sở thích gì, hành vi gì, thông tin nhân khẩu học nào thì các bạn xem mình demo ở video để rõ hơn nha, chỗ này diễn đạt bằng text hơi khó
- Những người hoặc bạn bè cũng những người đã thích trang, đã sử dụng ứng dụng, đã phản hồi 1 sự kiện nào đó của doanh nghiệp
- Đối tượng, trong đây sẽ có rất nhiều loại đối tượng khác nhau:
Đối tượng tuỳ chỉnh: Là những đối tượng thoả mãn điều kiện nào đấy, ví dụ:
- Những người đã tương tác với website của doanh nghiệp: Những người đã từng vào website, những người đã từng vào 1 trang cụ thể nào đó, những người đã từng mua hàng, những người đã từng đăng kí v.v
- Danh sách khách hàng: Thông tin nào đó của khách hàng (số điện thoại, email). Ví dụ bạn có tệp số điện thoại của những người từng mua ghế chơi game —> bạn có thể up lên facebook và chạy quảng cáo tới những đối tượng này để bán chuột chơi game
- Những người đã tương tác với trang Facebook: đã từng tương tác với trang facebook, những người đã từng nhắn tin cho trang facebook, những người đã từng lưu trang….
- Những người đã tương tác với video: Những người đã xem hết 25%, 50% thời lượng của 1 video nào đó trên page của bạn ….
Còn rất nhiều các đối tượng khác mà các bạn có thể tạo, ở đây mình chỉ đưa ra những đối tượng hay dùng nhất, còn các đối tượng khác bạn hãy vào phần ĐỐI TƯỢNG của tài khoản quảng cáo để xem nhé (Link: https://www.facebook.com/ads/manager/audiences/manage/
Đối tượng tương tự: Là những đối tượng mà GIỐNG với các đối tượng tuỳ chỉnh mà bạn tạo ở trên nhất
Có nghĩa là bạn tạo 1 đối tượng tuỳ chỉnh ở trên (ví dụ: tệp số điện thoại những người đã từng mua hàng của bạn) –> Facebook sẽ tìm ra những người có những đặc điểm giống với tệp đối tượng kia của bạn nhất –> Đây là 1 cách mở rộng đối tượng tiềm năng rất tốt mà các bạn nên tham khảo
Ngoài việc nhắm chọn mục tiêu, Facebook còn cho phép chúng ta có thể LOẠI TRỪ 1 số đối tượng nhất định, chúng ta có thể loại trừ:
- Những người sống ở 1 khu vực nào đó
- Đối tượng tuỳ chỉnh hoặc đối tượng tương tự nào đó mà ta đã tạo ở trên
- Sở thích/ hành vi nào đấy
Việc loại trừ này có ý nghĩa rất quan trọng, ví dụ bạn loại trừ những người đã mua hàng đi để tránh tốn tiền quảng cáo Facebook, những người này sẽ chăm sóc qua điện thoại hoặc bạn không muốn bán hàng tại Hồ Chí Minh, lúc này thay vì chọn hết 62 tỉnh thành còn lại thì bạn có thể chọn cả quốc gia Việt Nam và loại từ Hồ Chí Minh
Hãy biết tận dụng những cách nhắm mục tiêu và cách loại trừ phù hợp, nó sẽ giúp chúng ta tối ưu rất nhiều đấy!!!
Trên đây là các cách nhắm mục tiêu Facebook cho phép nhà quảng cáo làm, giờ bạn đã mường tượng ra rằng phải có chiến lược gì đối với Facebook rồi chứ?
Bí quyết 5 bước đánh giá hiệu quả quảng cáo của Facebook
(Video chia sẻ về các bước lập báo cáo theo dõi hiệu quả quảng cáo Facebook)
Đây vẫn luôn là vấn đề muôn thuở của các nhà quản lí, nhiều bạn vẫn thường nói rằng mấy cái chỉ số của Facebook chả quan trọng, quan trọng là LÃI bao nhiêu, điều này không sai những trước hết bạn phải hiểu được 3 điều sau:
- Nếu bạn chỉ nhìn vào DUY NHẤT chỉ số cuối cùng thì khi bạn thấy chỉ số đó tốt nhưng bạn không biết vì sao nó tốt vậy và khi bạn thấy nó kém cũng chả biết là do nguyên nhân nào, bởi vì nguyên đoạn giữa các bạn đã bỏ qua không theo dõi
- Việc lãi – lỗ của shop / doanh nghiệp của bạn không chỉ phụ thuộc Marketing (mà quảng cáo FB cũng chỉ là 1 phần trong Marketing). Tình hình kinh doanh sẽ còn phụ thuộc vào sản phẩm, vào việc tối ưu từng quy trình nhỏ trong doanh nghiệp, phụ thuộc vào cách chăm sóc khách hàng và vô vàn các yếu tố khác nữa!
- Quảng cáo Facebook đôi khi không chỉ nhằm vào mục đích tăng doanh số, lợi nhuận mà đôi khi còn có những mục đích khác (ví dụ: tăng nhận diện thương hiệu chả hạn)
Vậy để xác định được hiệu quả của 1 chiến dịch quảng cáo Facebook chúng ta cần làm những bước sau:
- Bước 1: Xác định mục tiêu của chiến dịch
- Bước 2: Xác định chỉ số cuối cùng, chỉ số quan trọng nhất dựa vào mục tiêu chiến dịch đã đưa ra
- Bước 3: Xác định KPI cho các chỉ số đó
- Bước 4: Xác định các chỉ số trung gian có thể gây ảnh hưởng đối với chỉ số kết quả cuối cùng
- Bước 5: Lập báo cáo đo lường các chỉ số đó và đánh giá
Ví dụ: Giai đoạn này tôi đang có mục tiêu là gia tăng lợi nhuận cao nhất cho doanh nghiệp trong giới hạn ngân sách MKT cho phép (đơn hàng mới)
- Bước 1: Mục tiêu: Tăng lợi nhuận tối đa trong giới hạn ngân sách Marketing
- Bước 2: Xác định chỉ số cuối cùng:
Chỉ số cuối cùng cần đánh giá ở đây là LỢI NHUẬN, tuy nhiên như đã chia sẻ thì Marketing không thể quyết định hết lợi nhuận được nên mình sẽ tách ra làm 2 chỉ số quan trọng nhất ảnh hưởng nhiều tới lợi nhuận, đó là: Doanh số và tỉ lệ Tiền quảng cáo FB / Doanh số (Vì doanh số càng cao, tỉ lệ tiển quảng cáo / Doanh số càng thấp thì khả năng lợi nhuận thu về được sẽ càng cao)
- Bước 3: Xác định KPI: Ví dụ: Doanh số: 1 tỉ, chi phí quảng cáo 200 triệu –> Ads / DS = 20%
- Bước 4: Xác định chỉ số trung gian
Đi ngược từ vấn đề lên, tôi muốn Doanh số cao hơn –> Cần chốt được nhiều đơn hàng hơn (hoặc giá trị đơn hàng cao hơn) –> Cần thu được nhiều Số Điện Thoại của khách hàng hơn hoặc SĐT thu về chất lượng hơn (để tăng tỉ lệ chốt) –> Cần thu được nhiều tương tác từ khách trên Facebook hơn (hoặc tương tác chất lượng hơn – tương tác chất lượng là tương tác để lại số điện thoại nhiều)
Các chỉ số trên đều được đánh giá dựa vào 2 mặt: Số lượng và chất lượng
Tới đây ta xác định được 1 vài chỉ số trung gian sau: Số SĐT, Số tương tác, Giá trị đơn hàng, Tỉ lệ SĐT / Tương tác (tỉ lệ này chứng minh chất lượng của tương tác). Tỉ lệ SĐT có nhu cầu / Tổng SĐT thu được (tỉ lệ này để chứng minh chất lượng SĐT). Ngoài ra, để kiểm chứng thêm chất lượng SĐT thì chúng ta cần tham khảo thêm đội tư vấn chốt đơn hàng, tham khảo thêm tỉ lệ chốt để biết được
Tiếp theo, mình cũng cần Tỉ lệ tiền quảng cáo FB / Doanh số thấp –> Cần chi phí quảng cáo FB bỏ ra cho 1 đơn hàng phải thấp hơn –> Cần chi phí thu được 1 SĐT phải thấp hơn –> Chi phí 1 tương tác thấp hơn
Tại đây, ta thêm được 1 vài chỉ số trung gian cần xem xét: Giá SĐT, Giá tương tác, để tính được 2 số này chúng ta cần phải có thêm chỉ số Chi phí quảng cáo
Lưu ý: Mỗi chỉ số ở trên tốt đều sẽ do nhiều yếu tốt quyết định, nhưng mình chỉ xét tới những yếu tố mà quảng cáo Facebook chi phối nhiều mà thôi. Ví dụ: Để chốt nhiều hơn hàng hơn thì không chỉ cứ tăng SĐT lên là được, mà còn phụ thuộc vào tỉ lệ chốt .v.v , nhưng ở đây mình đang cần đánh giá hiệu quả quảng cáo Facebook nên hãy bỏ qua các yếu tố mà quảng cáo Facebook không chi phối nhiều
- Bước 5: Xây dựng, hoàn thiện báo cáo
Dựa vào các chỉ số đã đưa ra chúng ta lên được bản báo cáo hoàn chỉnh để theo dõi, đánh giá hiệu quả (Xem bản demo ở video)
Ok, khi đã có báo cáo đầy đủ kia thì gặp vấn đề gì bạn sẽ rất dễ dàng biết được chỗ mình đang làm không tốt ở đâu để điều chỉnh. Ví dụ: Khi thấy doanh sô thấp bạn sẽ nhìn xem là do lượng SĐT thu về đang ít hay là do giá trị 1 đơn hàng quá thấp, từ đó sẽ điều chỉnh đúng chỗ đang cần điều chỉnh
Chọn đối tác triển khai quảng cáo Facebook
Về việc chọn đối tác để triển khai quảng cáo facebook cũng như kinh nghiệm trước khi thuê người quảng cáo Facebook mình đã có 1 bài viết riêng, mọi người có thể xem tại đây
Trong bài viết này mình sẽ chỉ note nhanh 1 số ý ngắn gọn và quan trọng nhất
- Việc chọn cá nhân / team hay agency không quá quan trọng, miễn sao trong quá trình làm việc cảm thấy hiệu quả, cảm thấy có thể hợp tác được là được, có những khi agency chạy quảng cáo chưa chắc đã chăm chút, theo dõi kĩ bằng cá nhân hay team. Với mỗi mô hình lại có những ưu nhược điểm riêng
- Hãy chọn người chạy có Tâm: Đây thực sự là 1 yêu tố rất quan trọng, chưa nói tới trình độ, cho dù người đó có giỏi tới đâu mà không có tâm thì rồi có ngày bạn cũng sẽ gặp phải rắc rối gì đó với họ. Khi chọn được người làm có tâm, có trách nhiệm thì bạn sẽ nhẹ đầu hơn rất nhiều, không cần lúc nào cũng phải lo lắng, sợ rằng họ có đang gian trá chỗ nào, có đang “bịp” mình ở chỗ nào hay không (đặc biệt là trong bối cảnh mà có cực kì nhiều vụ scam ở trên mạng như hiện nay). Việc chọn được người như vậy là không dễ và cần có thời gian tiếp xúc trực tiếp để kiểm chứng, nhưng để giảm thiểu khả năng gặp phải những đối tượng không mong muốn thì bạn có thể theo dõi và tìm hiểu kĩ người đó trước khi hợp tác, thẽo dõi họ trên Facebook, youtube hoặc bất kì đâu trên internet, khi đã cảm thấy thực sự tin tưởng thì bắt đầu hợp tác cũng chưa muộn
- Hãy cánh giác với những lời cam kết “có cánh”: Thực sự thì mình thấy rằng việc quảng cáo Facebook rất khó để có sự chắc chắn, việc bạn từng thành công ở dự án này, chưa chắc đã thành công ở dự án khác bởi sản phẩm khác nhau, tệp đối tượng khách hàng khác nhau. Vì vậy hãy cảnh giác với những bên đưa ra những lời cam kết “có cánh” kiểu: cam kết ra đơn, cam kết doanh số tăng XYZ…. Điều cam kết này sẽ đúng, nhưng mà trong trường hợp đơn vị bạn chuẩn bị hợp tác đã từng có kinh nghiệm triển khai quảng cáo Facebook cho sản phẩm/dịch vụ giống của bạn hoặc ít nhất là tương tự sản phẩm/dịch vụ của bạn rồi (cái này bạn phải tìm cách nào để kiểm chứng được việc này). Còn nếu không phải rơi vào trường hợp này thì sẽ rơi vào các trường hợp sau: Họ cứ cam kết để chốt hợp đồng, lấy tiền của bạn đã, còn khi xong không đạt được thì họ đổ cho lí do này, lí do kia. Hoặc họ cam kết những cái chỉ số linh tinh, chả có nhiều ý nghĩa đối với mục tiêu của bạn (không nằm trong các chỉ số bạn đã vạch ra ở trên)
- Nói không với các hình thức Black-Hat kiểu như chạy chiết khấu, chạy reach v.v..
Nói chung, theo quan điểm cá nhân của mình thì khi làm việc với 1 đối tác mới thì bạn cứ tìm hiểu thật kĩ về họ, sau khi ok cả rồi thì bắt đầu hợp tác thử 1 thời gian, rồi sau đó hãy đánh giá và quyết định xem có nên hợp tác tiếp hay không!!
Chúc cả nhà tìm được những đối tác ưng ý!!
Bảo mật tài sản của doanh nghiệp trên Facebook
Phần này mình sẽ nói rộng hơn 1 chút chứ không chỉ riêng về quảng cáo Facebook, mình sẽ nói về toàn bộ các tài sản của doanh nghiệp trên Facebook
- Fanpage: Để bảo mật Fanpage thì mình khuyên bạn nên thêm page vào trình quản lí doanh nghiệp (BM – Business Manager) và nên sử dụng 1 nick Facebook khác, không phải Facebook chính để tạo BM. Giải thích qua về BM: Từ mỗi nick cá nhân chúng ta có thể tạo được các BM, nick cá nhân hiểu nôm na là 1 cá nhân, còn BM như là 1 công ty. Trong BM chúng ta có thể tạo các tài sản của doanh nghiệp (fanpage, phương thức thanh toán, app, tài khoản quảng cáo…), có thể phân quyền cho từng nhân viên, mỗi người 1 vai trò nhất định, bản thân BM cũng là 1 tài sản của doanh nghiệp. Khi thêm page vào BM thì dù bạn có cho người khác làm quản trị viên của page thì họ cũng không thể đá BM của bạn ra. Nên sử dụng 1 nick không phải là nick chính bạn hay sử dụng là để tránh các đối tượng xấu biết nick của bạn đang cầm BM là nick nào, họ sẽ có thể tấn công hoặc report nick đó của bạn!!
- Nick Facebook: Có thể là nick để tạo BM, nick để tạo tài khoản quảng cáo, hoặc nick để chăm sóc khách hàng, tìm khách hàng mới v.v… Dù là nick facebook được tạo ra với mục đích gì bạn cũng cần bảo mật nó. Để bảo mật nick Facebook hãy thêm đầy đủ các thông tin như email, sđt còn sử dụng, đồng thời bật bảo mật 2 lớp, Nhận cảnh báo về những lần đăng nhập không nhận ra, chọn bạn bè tin cây để khi cần có thể nhờ họ trợ giúp
- Group: Nếu doanh nghiệp của bạn đang xây dựng 1 group thì đó cũng là 1 trong những tài sản của bạn. Kinh nghiệm của mình là để bảo vệ được Group thì bạn nên đưa group cho 1 page cần quản trị, chứ không phải là 1 nick Facebook quản trị . Lí do là vì nếu đểu nick Facebook làm quản trị viên group thì người ngoài xem thành viên group sẽ biết ngay nick Facebook nào đang quản trị group đấy, họ sẽ tấn công hoặc report nick Facebook của bạn, khiến nick Facebook bị khóa, bạn không thể vào quản lí group được nữa hoặc xấu hơn là chúng sẽ chiếm đoạn được nick Facebook và cũng chiếm luôn cả group đó. Còn nếu để là Page quản trị group thì đối tượng xấu muốn làm được việc thì họ phải quản trị page được đã, rồi sau đó mới chiếm quyền quản trị group được, trong khi để chiếm đoạn quyền quản trị page sẽ khó hơn vì họ không biết nick facebook nào đang quản trị page đó để mà tìm cách tấn công (Facebook không cho xem danh sách quản trị viên của 1 page). Nếu kết hợp thêm việc bảo mật page như ở trên nữa thì sẽ càng gây thêm khó khăn cho đối tượng xấu
- Pixel: Nếu đơn vị nào có chạy thêm quảng cáo về website hoặc landing thì sẽ có thêm 1 tài sản nữa gọi là Pixel, hiểu đơn giản pixel là 1 mã Facebook đưa cho chúng ta gắn vào website của mình để theo dõi các hoạt động của khách hàng trên website, nhờ pixel đó chúng ta có thể quản lí, nhắm mục tiêu được những đối tượng đã từng vào web của chúng ta, hoặc quản lí được các tệp đối tượng đã từng mua hàng, đăng kí, từng tương tác với doanh nghiệp trên website. Pixel này để càng lâu thì lại càng có nhiều Data để Facebook học và tối ưu quảng cáo. Vì dụ sau 1 thời gian chạy quảng cáo bạn thu được 1000 lượt mua hàng trên website, khi chọn loại hình quảng cáo chuyển đổi, Facebook sẽ cố gắng hướng quảng cáo tới những người mà có đặc điểm giống với những người đã từng mua hàng ở trên website của bạn nhất với hi vọng ra được nhiều lượt mua hàng nhất. Thử tượng tưởng nếu con số đó không phải 1000 mà là 10.000, 100.000 thì sẽ ra sao? Khi đó Facebook sẽ có nhiều data để học tập hơn và dễ dàng tìm ra những khách hàng tiềm năng hơn. Với những bên chủ yếu chạy quảng cáo về website thì đây thực sự là 1 trong những tài sản quan trọng bậc nhất
Để bảo vệ được Pixel thì tốt nhất bạn nên tự tạo pixel rồi sau đó share cho đối tác sử dụng, như vậy pixel vẫn thuộc quyền quản lí của mình. Đồng thời gắn nhiều hơn 1 mã pixel ở trên website để đề phòng 1 sự cố gì đó
Đó là những tài sản quản trọng nhất của doanh nghiệp cần được bảo vệ, ngoài ra mình cũng có 1 bài viết khác nói về việc Bảo mật tài sản trên facebook, bạn có thể đọc thêm tại: https://nguyenquythang.com/9-luu-y-de-bao-mat-tai-san-tren-facebook/
Bonus: Tản mạn về Facebook Marketing – Không chỉ có quảng cáo
Phần này mình xin phép được chia sẻ trong video vì bài viết cũng đã khá dài rồi!!
Bài viết của mình xin được tạm dừng tại đây, hi vọng những chia sẻ này có thể giúp ích gì đó cho bạn
Cùng trao đổi các kiến thức về Marketing tại các kênh sau:
- Group Facebook: https://www.facebook.com/groups/2263948170507578/
- Nick FB cá nhân của mình: https://www.facebook.com/anthonynguyen141
- Fanpage: https://www.facebook.com/toiuukinhdoanhonline/
- Youtube: http://www.youtube.com/c/ThắngNguyễnQúy
Một số câu hỏi thường gặp
Làm sao để tôi theo dõi và đánh giá hiệu quả quảng cáo Facebook của đội Marketing?
Để theo dõi và đánh giá hiệu quả quảng cáo của đội marketing thì trước tiên các bạn cần xác định mục tiêu, KPI chỉ số mục tiêu, xác định chỉ số phụ liên quan và yêu cầu đội Marketing làm báo cáo theo các chỉ số đó. Phần này các bạn xem chi tiết ở phần 5
Tôi cần chuẩn bị những gì để có thể quảng cáo Facebook?
Để quảng cáo Facebook bạn cần chuẩn bị: Nick Facebook, Fanpage và thẻ visa / master (chừng đó là đủ để bạn bắt đầu chạy 1 số loại hình quảng cáo Facebook rồi)
Làm sao để chọn đối tác quảng cáo Facebook tốt
Yếu tố đầu tiên để đánh giá gười làm quảng cáo Facebook tốt trước tiên phải là người uy tín và thật thà, sau đó mới bàn tới hiệu quả thực tế chạy quảng cáo ra sao. Cụ thể các ý chi tiết hơn các bạn hãy xem ở phần 6 của bài viết này